May 29, 2015

Hàng không giá rẻ (phần 2)

Post xong bài trước ai cũng hỏi mình vậy thì viết tút hay viết tool gì đó để mọi người book vé giá rẻ. Haha chắc chắc là mình sẽ không viết hoặc công khai các vấn đề đó, mà chắc bạn cũng tìm được ở đâu đó như baynhe.vn [1] chẳng hạn ;). Nhưng mình chỉ muốn nói một điều là “Núi này cao có núi khác cao hơn”, rốt cuộc thì chúng ta cũng vẫn tranh nhau nhiêu đó vé thôi. Bên cạnh đó mình có một số lời khuyên hay mẹo có thể áp dụng hoặc các thứ cần chuẩn bị trước khi bắt đầu vào cuộc chiến giành vé haha.

Các hãng hàng không giá rẻ luôn tìm mọi cách lấp đầy khách trên các chuyến bay của họ? Vì sao? Vì họ mong muốn hành khách thấy rằng họ làm ăn kinh doanh được nên máy bay luôn đầy khách và giúp họ trả các chi phí khác (phí sân bay, phí thanh toán…) cũng như buôn bán đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm trên máy bay [2]. Do đó các đợt giảm giá luôn có từ 0 đồng đến 300.000 đồng (trên một số đường bay dài giá này cũng ok) tùy vào thời điểm bạn đặt vé cho đến ngày bay. Có nhiều bạn thắc mắc tại sao không có vé rẻ dịp hè? Ừ thì làm ăn lấy lời mà, dịp hè người ta đi du lịch thì bán giá cao hơn + mấy công ty du lịch bao sô hết máy bay thì bán rẻ cho bạn làm gì? Tương tự với các dịp lễ, Tết (trừ trường hợp hãng nước ngoài). Do đó bạn cũng đừng hy vọng mấy vào những dịp “nghỉ lễ toàn dân” có vé rẻ cho bạn đi, thậm chí giá bình thường còn không có nữa. Dĩ nhiên đây chỉ là một yếu tố, trong một số trường hợp như sát ngày mà chuyến bay vẫn còn trống nhiều thì hãng vẫn có thể bán cho bạn với một mức giá giảm một chút.

Vậy những khoảng thời gian và yếu tố nào thì có vé giá rẻ:

  • Thời gian thấp điểm trong năm: Tháng 3, 4, 5, 9, 10, 11 luôn có vé giá rẻ mức 0 đồng chỉ cần đặt trước 2-3 tháng

  • Các tuyến bay ít khách: Tới những địa điểm ít khách du lịch thường xuyên thì mức giá ở mức chấp nhận được ~200k tại nhiều thời điểm

  • Mở đường bay mới: Đây là loại khuyến mãi mà mình thường nói với bạn bè là “ngàn năm có một”, không múc thì uổng lắm. Vì các chuyến mất khoảng thời gian 2-3 tháng trước đó bán vé để làm đầy máy bay do đó khi một đường bay mới hãng sẽ tung ra siêu khuyến mãi để nhanh chóng lấp đầy máy bay, số lượng vé cũng nhiều, thậm chí thời điểm sát Tết bạn có thể kiếm được vé rẻ hơn vé xe để về quê. Hehe mà các hãng dạo này cũng mở hết các tuyến đến các địa điểm du lịch lớn rồi do đó nếu bạn muốn khám phá một địa điểm mới thì có thể thử

  • Sinh nhật hãng: Thường các hãng sẽ khuyến mãi lớn, toàn mạng bay, vé không nhiều nhưng bạn có thể xác định đích đến trước và giựt vé thôi ;)

  • Hàng ngày: Dạo này cạnh tranh VNA-JPA vs VJ dữ quá, nên tung khuyến mãi hàng ngày luôn. Nhưng theo mình thấy thì chả mấy ngày ngon, giờ bay thì quá xấu, vé thì quá ít… nói chung thì hên xui, rảnh thì check giờ trưa

  • Bất chợt: Đây là cái chiêu VJ hay xài, chả hiểu sao lâu lâu chẳng cần thông báo trước vé cứ ề à cả ra… ai vô trước thì hốt lẹ. Do đó bạn nên follow mấy page như baynhe.vn để theo dõi những thông tin bất chợt đó

  • Hãng nước ngoài: Các hãng nước ngoài thường khuyến mãi theo chu kỳ, giảm cũng khá sát. Nhưng do phí sân bay quốc tế khá cao nên mọi người cũng khá chùn chân. Bạn hoàn toàn có thể tìm được số lượng lớn vé cho nhóm ở mức giá vé 0. Mặc khác các ngày lễ riêng VN, nếu bạn mua đợt khuyến mãi sớm nhất thì cũng có thể đi nước ngoài du lịch vào các dịp này

Các hãng giá rẻ luôn hút được dòng tiền lớn nhờ vào các đợt khuyến mãi vì các vé khuyến mãi phải thanh toán ngay mới được xác nhận và xác suất bỏ vé khuyến mãi cũng cao nên chắc tỉ lệ overbook cũng không nhỏ. Để chuẩn bị cho đợt vé khuyến mãi thì vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Có tiền xong thì làm sao trả. Để thanh toán vé máy bay khuyến mãi thì bạn có vài cách như sau:

  • Thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế: Visa/Master/JCB được chấp nhận ở mọi nơi

  • Thẻ ghi nợ nội địa (ATM) có mở thanh toán online: Các hãng trong nước và hãng nước ngoài như AirAsia

  • Internet Banking: Các hãng trong nước và hãng nước ngoài như AirAsia

Nói chung bạn nên chuẩn bị cho mình ít nhất 2 cái trong 3 cái trên vì đôi khi có lỗi xảy ra với một hướng thanh toán nào đó. Riêng Internet Banking bạn chỉ thanh toán được khi có mã đặt vé giữ chỗ (hay nói nôm na là được tạm thời xác nhận mà chưa thanh toán, sẽ hủy sau một thời gian), nhưng đây là cách an toàn và tỉ lệ thành công nhanh nhất vì hệ thống Internet Banking của các ngân hàng luôn hoạt động tốt hơn các Website đặt vé.

… Nhưng còn một chuyện nữa bạn sẽ nhận ra ngay khi lần đầu nhào vô cuộc chiến này là… Website của hãng sẽ ĐƠ ngay vô giờ khuyến mãi ở giây đầu tiên!!! Nên bạn cần làm cẩn thận chọn đúng và… kiên nhẫn chờ website nó load, tránh back tới lui nhiều hay mở nhiều tab là tỉ lệ bạn có được vé là 0%. Với mình nói cái là các website này đều đặt tại nước ngoài, nên bạn có đường truyền cáp quang thì cũng chẳng khác gì với ADSL ổn định đâu vì đường ra nước ngoài của VN bị nghẽn chỗ mấy sợi cáp quang mỏng hơn cụng bún ấy.

Và cách cuối cùng để khắc phục tình trạng đơ là sử dụng một hệ thống đặt vé khác: App trên mobile hoặc website riêng dành cho mobile. Thường cách này bạn không xem được giá vé trong một tháng để chọn ngày, nhưng được cái nó chạy khá trơn tru kể cả khi website chính bị đơ trong giờ khuyến mãi và thường chỉ có thể thanh toán bẳng thẻ quốc tế thôi.

Không biết khi nào mình mới viết phần 3 vì cũng chưa biết sẽ viết gì haha! Chỉ còn một cái nữa là khi đặt vé nhớ bỏ hành lý ký gửi, bảo hiểm (mua khi gần ngày đi và chắc chắn đi), chọn vé rẻ nhất có thể… nói chung là làm sao cho rẻ nhất, để có lỡ phải bỏ cũng không tiếc!